Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3.6.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đối với xây dựng Chính quyền số quan tâm các giải pháp: Phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin Một cửa của tỉnh kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; cung cấp toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống thông tin Một cửa của tỉnh theo lộ trình phù hợp. Thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, biểu mẫu, chế độ báo cáo của các ngành, lĩnh vực trên môi trường mạng; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, báo cáo điện tử phải được ký số bằng chữ ký số theo quy định giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân; đồng bộ thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước. Triển khai hiệu quả các dịch vụ trên nền tảng đô thị thông minh; Trung tâm giám sát, điều hành thông minh; lựa chọn đô thị điển hình của tỉnh để triển khai thử nghiệm đô thị thông minh trước, gắn liền phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử, phát triển bền vững kinh tế. Xác định mô hình triển khai thành công để phổ biến, nhân rộng.
Đối với Phát triển kinh tế số quan tâm các giải pháp: Phát triển thương mại điện tử của tỉnh. Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh có tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó hỗ trợ ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng. Tăng cường xây dựng các hệ thống hạ tầng và dịch vụ nhằm hỗ trợ phát triển thương mại điện tử. Thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng nền tảng mã địa chỉ bưu chính trong hoạt động thương mại điện tử và logistic. Thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thay đổi quy trình sản xuất, tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại, sáng tạo ra các mô hình sản xuất mới hiệu quả hơn và từng bước chuyển dịch sang phương thức sản xuất mới.
Đối với phát triển xã hội số quan tâm các giải pháp: Bảo đảm 100% hệ thống cáp quang được phủ đến cấp xã và cơ bản các hộ gia đình có kết nối internet. Tham gia chương trình quốc gia và phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ có uy tín, có thương hiệu để triển khai chương trình phổ cập điện thoại di động thông minh với giá thành phù hợp với người dân. Triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp. Cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở cho tất cả người dân để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục nhờ công nghệ số, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số. Phổ cập việc thi trực tuyến; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập; phát triển các doanh nghiệp công nghệ phục vụ giáo dục hướng tới đào tạo cá thể hóa.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đang trở thành động lực lớn để tạo ra sự phát triển đột phá trên các mặt quản lý, kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ Chính phủ đến các địa phương, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân và trong mọi lĩnh vực. Trên cơ sở nhận diện những vấn đề cơ bản, một số nhân tố chủ yếu tác động đến quá trình chuyển đổi số, mỗi địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định cho mình một chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số phù hợp.