Sáng ngày 18/6/2023 tại sân Gác Chuông đền hóa Dạ Trạch. Đài phát thanh và truyền hình Hưng Yên phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Dạ Trạch tổ chức Gameshow Truyền hình Lưu giữ những giá trị Văn hoá & Truyền thống vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Tới dự chương trình về phía tỉnh có Nhà báo Nguyễn Thu Hải, trưởng phòng Văn nghệ Đài PT& THHY; Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Quản lý Văn hoá và Gia đình Sở VH TT và Du lịch; ở địa phương có đồng chí Ngô Minh Xá - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; đồng chí Nguyễn Như Đăng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Đảng uỷ - các đồng chí Ban chấp hành Đảng uỷ-HĐND-UBND -UBMTTQ, các ban ngành đoàn thể , Bí thư chi bộ, trưởng, phó thôn và sự hiện diện đông đảo của toàn thể bà con nhân xã xã Dạ Trạch huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên.
Vùng đồng bằng sông Hồng, là nơi diễn ra các hoạt động sinh sống và sản xuất chủ yếu của người dân trồng lúa nước, đồng thời cũng là không gian sinh hoạt, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của làng quê Việt Nam.
Nói đến văn hóa là nói đến những “nét riêng biệt” có tính đặc trưng, tức là cái “hồn”, cái chất của mỗi con người, mỗi vùng miền hay của cả dân tộc. Văn hóa bộc lộ tư duy, tình cảm của con người và biểu hiện ở quan niệm sống, hành vi ứng xử. Với miền Bắc nói chung, Đồng Bằng Sông Hồng nói riêng, cái “hồn” của làng quê có vai trò to lớn đối với việc hun đúc nên tâm hồn Việt và các giá trị đạo đức, nhân văn…
Văn hóa là bầu không khí quen thuộc mang sinh khí mạnh mẽ mà người nông dân hít thở hàng ngày. Những quan niệm, chuẩn mực đạo đức, hành vi được hình thành trong quá trình tổ chức, giữ gìn cuộc sống của người nông dân vùng đồng bằng sông Hồng, được bộc lộ trong lối sống, phong tục, tâm tính con người và trong kho tàng văn hóa dân gian... Những yếu tố vật thể và phi vật thể trên không đứng đơn lập mà hòa quyện vào nhau, tích hợp lại thành bản chất, đặc trưng văn hóa, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo ra những ảnh hưởng không chỉ trong xã hội truyền thống mà còn ở xã hội hiện đại, không chỉ ở nơi thôn quê mà tràn ra cả đô thị.
Tham gia Gameshow Truyền hình có 2 làng là: Làng Yên Vĩnh và làng Đức Nhuận chia làm 2 đội chơi. Các đội chơi tham gia vào 4 phần thi gồm:
1. Bức tranh quê hương
2. Kể chuyện làng tôi
3. Khéo tay hay nghề
4. Làng quê sôi động
2 đội thi của làng Yên Vĩnh và làng Đức Nhuận Phần thi Bức tranh quê hương. Tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đổi mới của địa phương, mô hình phát triển kinh tế, các làng nghề; giới thiệu các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của các địa phương. Sản xuất theo hướng truyền hình thực tế, theo chân của nhân vật trải nghiệm của chương trình. Kết nối vào phần thi tài năng - biểu diễn các loại hình diễn xướng nghệ thuật truyền thống trực tiếp tại sân khấu của chương trình.
Kể chuyện làng tôi. Bằng hình thức sân khấu hoá, mỗi đội tham gia diễn xuất một (01) tiểu phẩm hoặc hoạt cảnh với thời lượng 5 - 7 phút. Nội dung tiểu phẩm, hoạt cảnh bám sát các đề tài tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; bảo vệ mội trường góp phần xây dựng nếp sống văn minh công cộng; phản ánh về vấn nạn bạo lực gia đình, tai tệ nạn xã hội… Hội đồng BGK đánh giá bằng hình thức cho điểm về nội dung tiểu phẩm, khả năng diễn xuất…
Khéo tay hay nghề. Là phần thi trình diễn kỹ năng trong lao động sản xuất của các làng nghề truyền thống đặc trưng, độc đáo của từng phương. Hai đội cử các đại diện tham gia (số lượng tuỳ thuộc vào yêu cầu từng hoạt động sản xuất). Hội đồng BGK đánh giá bằng hình thức cho điểm về các kỹ năng, kỹ thuật, độ khéo tay theo yêu cầu của từng hoạt động cụ thể.
Làng quê sôi động. Là phần trình diễn các trò chơi dân gian, trò chơi vận động, mang đến trải nghiệm thú vị và nhiều điều bất ngờ cho người chơi và khán giả; là một hoạt động đòi hỏi sự ăn ý, linh hoạt bổ ích rèn luyện thể chất, nâng cao khá năng sáng tạo, thể hiện tính đoàn kết… tạo tiếng cười vui vẻ sau hoạt động lao động sản xuất.
Kết thúc 4 phần thi Ban tổ chức trao giải nhất cho làng Đức Nhuận với 108 điểm và giải nhì cho làng Yên Vĩnh được 99 điểm.
Tiến Lộc